Blog | Maybanhang.net

KINH NGHIỆM MỞ QUÁN CAFE TAKE AWAY 2019

Written by TH | 12/03/2019

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng tiêu thụ cafe trung bình của người Việt Nam là 2,6kg/đầu người/năm vào năm 2021, tương đương với 11 tỷ 700 triệu ly cafe – quả là một con số ấn tượng và là một thị trường rộng mênh mông cho bất kỳ tham vọng nào.

Cuộc sống công nghiệp với nhịp độ cao ở các thành phố lớn sẽ khiến thời gian ngồi lê la chém gió dần dần giảm xuống, nhu cầu một cốc cafe mang đi (take away) là xu hướng tất yếu của giới trẻ. Các quán cafe take away ra đời.

Ưu điểm của quán cafe take away là chi phí đầu tư không lớn như các quán cafe truyền thống, hoạt động linh hoạt, khách hàng đông đảo... Nếu bạn là người mới trong lĩnh vực này, hãy tham khảo những kinh nghiệm mở quán cafe sau, chúng sẽ có ích cho bạn khi khởi đầu công việc kinh doanh của mình.

1. Xác định khách hàng và mô hình quán

Khách hàng của quán cafe take away đa phần là giới trẻ nhưng cũng có sự khác biệt như sinh viên, dân công sở, dân du lịch và gu uống cafe của miền Bắc cũng khác miền Nam nên khi xác định được khách hàng bạn hướng tới là ai, bạn sẽ có những bước đi hợp lý tiếp theo.

Mô hình quán cafe take away cũng khá đa dạng, tuỳ vào nguồn vốn cũng như nhóm khách hàng mục tiêu mà bạn sẽ quyết định quán của bạn sẽ di động hay cố định, tự tạo thương hiệu hay mua nhượng quyền... Mỗi mô hình sẽ có ưu nhược điểm khác nhau, bạn cần tham khảo và cân nhắc sao cho phù hợp với khả năng tài chính cũng như mong muốn của bản thân.

2. Chọn địa điểm phù hợp

Theo kinh nghiệm mở quán cafe, vị trí là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của quán. Quán cafe take away cố định thường không cần địa điểm lớn nhưng phải tiện lợi, trung tâm, sát với nhóm khách hàng mục tiêu, có thể tiếp cận được bằng cách đi bộ, tấp xe máy ở vỉa hè để có thể chờ một vài phút rồi phóng xe đi ngay. Một số quán có dành diện tích để kê thêm 1-2 bàn nho nhỏ cho khách uống tại chỗ và một vài khoảng trống cho việc để xe máy.

Còn đối với những quán nhượng quyền thì sẽ phải đáp ứng những tiêu chí khắt khe của thương hiệu đó và thông thường sẽ phải có diện tích đủ lớn cho cả khách dùng tại nơi và khách mang đi.

3. Chuẩn bị chi phí

Có 2 loại chi phí bạn cần quan tâm khi chuẩn bị mở quán cafe take away: chi phí đầu tư ban đầu và chi phí hàng tháng trong ít nhất 6 tháng đầu sau khi mở quán. Chi phí đầu tư ban đầu bao gồm tiền cọc địa điểm, sửa sang, mua trang thiết bị, đăng ký kinh doanh, quảng cáo để thu hút những khách hàng đầu tiên.

Còn chi phí hàng tháng thì bạn phải chuẩn bị một khoản để quán có thể vận động bình thường trong những tháng đầu tiên khi lượng khách hàng chưa ổn định, bao gồm tiền thuê địa điểm, nhân công, điện nước, nguyên vật liệu...

4. Trang trí và lên menu

Hình ảnh thường thấy rõ nhất khi đến quán cafe take away là menu rất lớn ngay cửa ra vào để khách hàng có thể đọc nhanh và quyết định chớp nhoáng đồ uống mình mong muốn. Thông thường, menu của quán cafe take away đơn giản tập trung vào một vài sản phẩm chủ lực. Yếu tố nhanh – tiện cần được đề cao bởi khách hàng của quán phần lớn bận rộn, họ muốn tất cả công việc mua bán và mang đi chỉ tiến hành trong vài phút nên sự đơn giản tiện lợi được đặt lên hàng đầu.

Tất nhiên, theo kinh nghiệm mở quán cafe,  bạn vẫn phải trang trí quán theo phong cách riêng của mình để dễ nhận diện thương hiệu nhưng đừng quá cầu kỳ. Không gian của quán nếu không đủ rộng thì càng hạn chế chi tiết càng tốt, những hình vẽ cầu kỳ sẽ khiến mọi người có cảm giác ngột ngạt và chật chội.

5. Mua sắm thiết bị và thuê nhân viên

Những vật dụng cần cho một quán cafe take away bao gồm: Bàn ghế cho khách ngồi, quầy pha chế, tủ lạnh, máy xay cafe hạt & máy pha cafe, máy xay sinh tố, máy đóng nắp… Đừng quá tiết kiệm cho việc đầu tư thiết bị bởi máy tốt sẽ dùng được lâu và các máy pha chế hiện đại có tốc độ cao sẽ rút ngắn thời gian phục vụ. Đối với quán cafe take away, thời gian là vàng bạc, khách hàng đến và đi rất nhanh, càng phục vụ nhanh doanh thu càng lớn.

Quán The Cloud Coffee Shop - 644 Trường Sa, phường 17, quận Phú Nhuận, Hồ Chí Minh

Bạn cũng nên đầu tư một bộ máy móc và phần mềm phục vụ cho việc bán hàng. Có thể bạn băn khoăn quán cafe take away bé và nếu tốc độ bán nhanh thì làm sao còn thời gian nhập vào phần mềm nữa? Hãy yên tâm vì phần cứng nhiều khi chỉ là một chiếc máy tính bảng nhỏ xíu cùng máy quét mã vạch, chỉ chiếm diện tích vài chục cm2 dựng trên quầy pha chế của bạn. Thao tác bán hàng trên phần mềm cũng chỉ mất vài giây là hoàn tất nhưng sẽ giúp bạn quản lý tốt cửa hàng, nắm được con số chính xác thu – chi, quản lý được hàng tồn và không lo bị thất thoát, mất cắp.

Nhân viên của quán cafe take away về cơ bản cũng giống như quán cafe thông thường nhưng tinh giản hơn và yêu cầu độ nhanh nhẹn cao. Tham khảo bài viết về quản lý nhân viên quán cafe:

- Quản lý nhân viên quán cafe thế nào cho tốt?

- Nhân viên phục vụ quán cafe cần những tốt chất gì?

6. Quảng cáo và quảng cáo

Kinh nghiệm mở quán cafe cho thấy, trong thời gian đầu khai trương, việc quảng cáo cần được đầu tư tiền và thời gian cùng tâm huyết nhiều nhất. Quảng cáo truyền thống như căng băng rôn, phát tờ rơi, mời uống thử sản phẩm ở khu vực quanh quán và các kênh online như mạng xã hội, Google cùng phối hợp trong việc thu hút khách hàng mới.

Ngoài ra, đừng bao giờ bỏ qua việc bán hàng online!!! Hệ thống app cho lĩnh vực đặt đồ ăn trên mạng cùng đội shipper hùng hậu cực kì thích hợp cho mô hình quán cafe take away vốn nhắm đến nhóm khách hàng thích sự tiện lợi. Hãy tận dụng để đẩy mạnh doanh thu của mình nhờ những ứng dụng này.

Trên đây là các bước từ A-Z cùng kinh nghiệm mở quán cafe take away. Chúc các bạn thành công!

 ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ MIỄN PHÍ 14 NGÀY PHẦN MỀM QUẢN LÝ QUÁN CÀ PHÊ