Việc kinh doanh thực phẩm an toàn (rau củ hữu cơ, thịt sạch...), dinh dưỡng để duy trì vóc dáng (cả tăng và giảm cân), ngành công nghiệp làm đẹp (spa, mỹ phẩm thảo dược), thể hình (fitness), thuốc hay các sản phẩm bổ trợ (vitamin, protein…) đang là xu thế "hot" không chỉ ở Việt Nam mà còn bùng nổ trên toàn thế giới, hứa hẹn một thị trường tỷ đô và cực kì tiềm năng để phát triển.
Với doanh thu nhiều tỷ đô và tốc độ phát triển lên đến hai chữ số hàng năm trên tất cả các lĩnh vực từ năm 2010 đến nay, ngành công nghiệp “giữ dáng” là một trong những ngành có quy mô và chất lượng tăng trưởng nhanh và ấn tượng nhất.
Đây là một hiện tượng hiếm hoi vì sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, các ngành công nghiệp nói chung đều bị ảnh hưởng rất nặng nề. Riêng ngành công nghiệp sản xuất, kinh doanh chăm sóc sức khỏe và thể hình không những vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục mà còn duy trì được phong độ phát triển không ngừng, hứa hẹn nhiều tiềm năng lớn.
Cùng tìm hiểu nguyên nhân và xác định xem liệu bạn có thể tham gia một phần trong ngành này không nhé!
Cuộc sống càng hiện đại thì nhu cầu về sự tiện lợi càng cao. So với các thế hệ trước, giới trẻ càng ngày càng có xu hướng "ngồi một chỗ". Chúng ta dành ra nhiều tiếng đồng hồ trước màn hình máy tính ở cơ quan, xem tivi ở nhà hay chúi mũi vào điện thoại ở bất kì nơi nào. Chúng ta cũng ăn uống không lành mạnh. Không những ăn nhiều hơn mà còn ăn đồ kém chất lượng hơn. Ngoài việc thực phẩm có nguồn gốc bẩn như rau bị phun hóa chất trừ sâu, thịt lợn có chất tạo nạc, gà còn dư chất kháng sinh…. thì con người còn tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều phụ gia tạo mùi tạo vị, thức ăn nhanh...
Đi đôi với cách sống ngày càng hiện đại là các hậu quả khôn lường về sức khoẻ. Ở Việt Nam có khoảng 25% dân số bị béo phì do ăn uống thiếu khoa học và lười vận động. Béo phì dẫn đến các hệ lụy nguy hiểm như bệnh về tim mạch, tiểu đường, suy thận, ung thư…
Và khi những tiếng chuông báo động vang lên cảnh báo về tình trạng này thì cả cung và cầu các dịch vụ và sản phẩm chăm sóc sức khỏe đã gia tăng đột biến. Ví dụ như các nhà hàng hoặc các dịch vụ nấu ăn cung cấp các suất ăn theo chế độ lowcarb giúp giảm cân.
Trong thời gian gần đây, các phong trào khoe dáng, khoe thành tích thể thao trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội. Dù muốn hay không thì mạng xã hội với tổng số người tham gia là 2,5 tỷ người đang tạo ra một sân chơi cho những chuyên gia và cả những người không chuyên có thể chia sẻ kiến thức cũng như đưa ra các lời khuyên về sức khỏe. Họ là những lực đẩy rất mạnh cho sự phát triển của ngành công nghiệp về chăm sóc sức khỏe và thể hình.
Trên các trang mạng xã hội hàng đầu thế giới như Twitter, Instagram, Facebook, những người nổi tiếng thường xuyên cập nhật status, khoe hình ảnh chuẩn 6 múi, chơi thể thao hay ăn uống lành mạnh và điều này lôi cuốn những người khác hành động theo. Giới trẻ hiện nay có xu hướng bị ảnh hưởng bởi đám đông, đặc biệt là trên mạng xã hội. Khi các công cụ quảng cáo được sử dụng, trên dòng thời gian tràn ngập những hình ảnh hoặc những lời mời gọi, thật là khó để chối từ việc đăng ký đi làm đẹp, mua một đôi giày thể thao hay tham gia một khóa học nhảy để giảm cân…
Mạng xã hội cũng mở ra cánh cửa mới cho những người có niềm đam mê với lĩnh vực thể hình có thể tạo lập công việc kinh doanh mang dấu ấn cá nhân mình. Những người có ảnh hưởng đến mạng xã hội có thể kể đến Kayla Itsines đã xây dựng một thương hiệu khá thành công. Chỉ sau 12 tháng viết bài về giữ dáng và dinh dưỡng trên Instagram, Kayla có 1,7 triệu người theo dõi và có giá trị ước tính là 46 triệu đô.
Ở Việt Nam có thể kể đến Hana Giang Anh, một huấn luyện viên thể hình ở Trung tâm California Fitness. Cô có kênh Youtube với 100,000 người đăng ký và Facebook với 164,500 người theo dõi. Hana thường xuyên đăng tải các video, chia sẻ kinh nghiệm để giúp phái nữ có vóc dáng đẹp. Cô có thể viết các bài quảng cáo cho sản phẩm làm đẹp, giảm cân, dinh dưỡng để giữ gìn vóc dáng hoặc chỉ đơn giản là chụp một tấm hình đẹp trong bộ đồ tập của Adidas là cũng đảm bảo được thu nhập của mình.
Bên cạnh các mạng xã hội, những nguồn thông tin về sức khỏe cũng đa dạng hơn với mục tiêu giáo dục nhận thức của người dân về sức khỏe.
Trước đây các thầy thuốc chủ yếu tập trung vào việc chữa bệnh, tức là có bệnh nào thì tập trung nghiên cứu tìm ra phương thuốc chữa bệnh đó. Từ những năm thuộc thập kỷ 60-70, việc phòng bệnh được chú trọng hơn và ngày nay thì “Phòng bệnh hơn chữa bệnh” là quan điểm của hầu hết mọi người. Các bác sĩ luôn đưa ra những lời khuyên về việc ăn uống lành mạnh và tập thể thao là phương thức để phòng tránh bệnh tật trong tất cả các thông tin khuyến cáo.
Việc thay đổi quan điểm về bệnh tật đã cho ra đời:
Có rất nhiều yếu tố làm nên thành công của ngành công nghiệp sức khỏe này nhưng có 1 thứ đã kết nối tất cả, đó là thay đổi trong nhận thức và hành vi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng có nhiều thông tin hơn về những rủi ro bệnh tật, tầm quan trọng của việc sinh hoạt lành mạnh và việc của các doanh nghiệp là đưa ra những giải pháp, sản phẩm nhằm đáp ứng được những nhu cầu đó.
Tuy nhiên ngành kinh doanh chăm sóc sức khỏe và thể hình này lại phát triển phần lớn dựa trên nỗi sợ hãi hơn là niềm hi vọng. Có rất ít người tập thể dục vì muốn sức khỏe tốt mà phần lớn lại vì sợ bệnh mà phải đi tập. Tâm lý của người ta thường tin vào những tin xấu hơn là những tin tốt lành. Ví dụ như khi một bài báo ra bài “Việt Nam đứng top 2 thế giới về ung thư” là người đọc xôn xao cả lên và ai cũng tin rằng có 1 nước nào đó đứng đầu về tỷ lệ ung thu và nước ta xếp hàng thứ 2. Lợi dụng việc này, một số hãng tung ra quảng cáo giật tít như vậy để bán thực phẩm chức năng phòng chống ung thư! Tuy nhiên nếu đọc kỹ thì nghiên cứu thì WHO đã xếp 50 nước vào top 1 có tỷ lệ ung thư cao còn Việt Nam ở nhóm 2, tức là nhóm từ 51 đến 100 và nước ta đứng thứ 78/172 quốc gia, một tỷ lệ vừa phải, không cao mà cũng không thấp. Chính vì nỗi sợ đó nên người ta sẵn lòng móc hầu bao để chi trả cho những thứ mà họ không thực sự cần thiết chỉ để mua sự yên tâm trong tâm hồn và góp phần vào việc thúc đẩy ngành kinh doanh chăm sóc sức khỏe và thể hình phát triển không ngừng!
Còn bạn, một chủ doanh nghiệp hay một người có máu kinh doanh, bạn có sẵn sàng tham gia thị trường tỷ đô này?