Blog | Maybanhang.net

CÁCH CHỌN MẶT BẰNG KINH DOANH TỐT NHẤT HIỆN NAY

Written by Hoàng Khôi Phạm | 03/11/2017

Mặt bằng chính là yếu tố quyết định 50% sự thành công trong kinh doanh, phần còn lại chia đều cho hiệu quả marketing, giá cả, chất lượng sản phẩm và tác phong phục vụ của cửa hàng. Vì thế, cách chọn mặt bằng kinh doanh sao cho hiệu quả chính là điều mà tất cả những ai có ý định mở cửa hàng phải quan tâm đầu tiên.

Nếu chọn được mặt bằng đẹp, rộng rãi, tập trung nhiều khách hàng tiềm năng và giá cả hợp lý, chắc chắn bạn sẽ yên tâm kinh doanh và đều đặn thu về khoản tiền lãi khổng lồ mỗi tháng. Để làm được điều đó, bạn cần lưu ý những điều sau:

1. Xác định diện tích mặt bằng

Đây là bước đầu tiên bạn cần thực hiện vì nó tác động trực tiếp tới giá thuê mặt bằng. Nhiều người bỏ qua bước này nên khi tìm được mặt bằng phù hợp túi tiền thì diện tích của nó lại không đáp ứng được nhu cầu kinh doanh.

Để xác định chính xác diện tích mặt bằng, bạn cần ước tính lượng khách sẽ ghé quán hoặc số sản phẩm được bán trong cửa hàng. Với quán cafe quy mô 50 khách, bạn cần thuê mặt bằng khoảng 80m2. Với shop thời trang 500 sản phẩm, bạn có thể tham khảo các mặt bằng 30m2. Nhìn chung, càng ước lượng chính xác diện tích, việc tìm được mặt bằng phù hợp sẽ càng dễ dàng.

2. Xác định khả năng chi trả tiền thuê mặt bằng

Giá thuê mặt bằng kinh doanh thay đổi theo khu vực mà bạn lựa chọn. Chẳng hạn như ở TP. HCM, giá thuê mặt bằng tại các quận gần trung tâm thành phố thường cao gấp 3-4 lần các quận khác. Vì thế, bạn cần tính toán kỹ lưỡng mức ngân sách mình có thể chi ra mỗi tháng để duy trì hoạt động kinh doanh. Từ đó, bạn sẽ chọn được khu vực phù hợp để kinh doanh lâu dài.

Ví dụ: Bạn có thể chi trả 18.000.000đ/tháng để thuê mặt bằng, dự kiến cửa hàng sẽ rộng 30m2. Từ đó, bạn sẽ tính được chi phí mỗi tháng cho một mét vuông là 600.000đ, phù hợp với giá mặt bằng tại quận 3, quận 4. Nếu muốn kinh doanh tại quận 1, bạn phải cân nhắc xem có thể đầu tư thêm 40% chi phí mặt bằng không.

Xem thêm: Giá thuê mặt bằng kinh doanh năm 2017

Ngoài mức phí mặt bằng mỗi tháng, bạn cũng cần lưu ý rằng khi mới bắt đầu thuê, chủ nhà sẽ yêu cầu bạn đặt cọc thêm 3-6 tháng tiền mặt bằng. Đây là điều mà nhiều bạn trẻ khi khởi nghiệp ít khi lưu ý tới, dẫn đến việc mất thời gian thương lượng với chủ nhà rồi đến lúc đặt cọc lại không có đủ tiền.

3. Lập danh sách các mặt bằng phù hợp

Sau khi quyết định được diện tích và khu vực kinh doanh, điều tiếp theo bạn cần làm là xác định ngay danh sách các mặt bằng phù hợp đang cho thuê trong khu vực đó. Để có được thông tin, bạn có thể tham khảo trên báo chí hoặc website môi giới mặt bằng. Nếu có thể, bạn nên trực tiếp đến khu vực đó để tìm hiểu vì bạn sẽ biết được chính xác tình trạng mặt bằng chứ không mơ hồ, thiếu minh bạch như các tin quảng cáo trên mạng.

Thông thường, các mặt bằng ở cuối đường hoặc góc ngã tư sẽ là những vị trí đắc địa để thu hút khách hàng. Tất nhiên, giá thuê mặt bằng tại đó sẽ cao hơn. Nếu muốn tìm được mặt bằng giá rẻ một tí, bạn có thể tham khảo giá tại các con đường nhỏ hoặc trong các hẻm đông dân cư.

4. Đánh giá khả năng sinh lời của mặt bằng

Trong thời gian đầu kinh doanh, bạn sẽ phải chi ra một số tiền lớn, nếu chẳng may chọn phải mặt bằng không tốt, doanh thu sẽ không thể bù đắp được chi phí. Khi ấy, bạn sẽ phải liên tục bỏ thêm tiền túi để duy trì hoạt động cửa hàng đến khi không đủ khả năng xoay xở nữa. Vì thế, ngay từ đầu, bạn cần phải đánh giá chính xác khả năng sinh lời của mặt bằng để tránh việc lãng phí tiền bạc.

Đừng vội thấy giá rẻ mà thuê ngay, vì dù rẻ nhưng ở nơi hẻo lánh, ít người qua lại thì bạn sẽ phải sớm chuyển sang nơi khác. Người biết cách chọn mặt bằng kinh doanh sẽ sẵn sàng bỏ 100 triệu đồng để thuê mặt bằng ở nơi có thể đem lại doanh thu tốt, chứ không bao giờ bỏ ra 20 triệu đồng để thuê một địa điểm kinh doanh có nguy cơ thua lỗ.

Để đánh giá chính xác tiềm năng của mặt bằng, bạn cần phải đến thực tế để quan sát mật độ dân cư và thói quen sinh hoạt, mua sắm của người dân xung quanh. Nếu mặt bằng đó nằm gần các khu chung cư, trường học, bệnh viện, khu vui chơi,... thì khả năng kiếm lời của bạn sẽ khá cao.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần xác định xem khách hàng mục tiêu của mình có tập trung nhiều ở đó không? Nếu kinh doanh mặt hàng mắc tiền mà lại chọn mặt bằng tại nơi có mức sống thấp thì sớm muộn gì bạn cũng phải đóng cửa.

Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét khoảng cách của mặt bằng với các đối thủ cạnh tranh. "Buôn có bạn, bán có phường", nếu chọn địa điểm gần các đối thủ, bạn có thể thu hút được sự chú ý của nhiều khách hàng hơn. Tuy nhiên, nếu nguồn cung của họ đã đủ cho dân cư ở đó thì bạn sẽ phải cạnh tranh khá khốc liệt, phải mất nhiều thời gian và công sức để có thể kéo khách hàng về mình.

5. Lưu ý lối đi và chỗ để xe

Bạn nên ưu tiên các mặt bằng thuận tiện trong giao thông và dễ dàng tìm kiếm để tránh việc khách hàng bị lạc đường hoặc không tìm thấy cửa hàng, vì khi ấy họ sẽ dễ dàng "ghé thăm" và ủng hộ đối thủ của bạn. Những mặt bằng ở đường một chiều, đường có dải phân cách sẽ là sự lựa chọn mà bạn nên tránh.

Bên cạnh đó, bạn nên chọn các mặt bằng không cùng lối đi với chủ nhà, vì nếu họ dắt xe hoặc ra vào liên tục sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách tại cửa hàng.

Ngoài ra, ở các thành phố lớn, các cửa hàng nằm san sát nhau nên bạn cần hỏi kỹ chủ nhà về diện tích mình có thể dùng để giữ xe cho khách. Bạn cần tìm hiểu xem chỗ giữ xe ấy có hợp pháp không, giữ được tối đa bao nhiêu chiếc? Đặc biệt, tại TP. HCM, khi chiến dịch dọn dẹp vỉa hè của ông Đoàn Ngọc Hải đang được thực hiện vô cùng gay gắt thì việc quan tâm đến tính hợp pháp của chỗ giữ xe càng cần được lưu ý.

Xem thêm: Trường hợp nào được sử dụng vỉa hè để kinh doanh?

6. Kiểm tra tình trạng mặt bằng

Tình trạng mặt bằng cũng là điều mà những người biết cách chọn mặt bằng kinh doanh hiệu quả thường chú trọng. Bạn nên ưu tiên các mặt bằng có tình trạng phù hợp với loại hình kinh doanh của mình để tiết kiệm chi phí sửa chữa, trang trí. Chẳng hạn như bạn định mở quán trà sữa thì hãy chọn các mặt bằng mà trước đây từng kinh doanh trà sữa.

Ngoài ra, bạn cũng nên hỏi kỹ chủ nhà xem mặt bằng đó đã có sẵn đường ống nước, internet, truyền hình cáp chưa? Vì nó sẽ tiết kiệm khoản phí lắp đặt cho bạn. Nếu tình trạng mặt bằng khá sơ sài, chưa có bất kỳ gì cả thì bạn có thể thương lượng với chủ nhà để giảm giá thuê mặt bằng.

Ngoài các yếu tố trên, bạn cũng cần chú ý đến các thoả thuận trong hợp đồng thuê mặt bằng để đảm bảo bạn không bị bất lợi về sau.

Bên cạnh việc tìm hiểu cách chọn mặt bằng kinh doanh, bạn cũng cần tìm kiếm phần mềm để quản lý doanh thu, lợi nhuận, tồn kho. Nó sẽ là chìa khoá vàng giúp bạn điều hành hiệu quả mọi hoạt động kinh doanh.

Phần mềm quản lý bán hàng của MAYBANHANG.NET chính là giải pháp quản lý hoàn hảo mà bạn đang tìm kiếm, đặc biệt là khi phiên bản 4.0 với nhiều tính năng ưu việt vừa được ra mắt. Tại Việt Nam, chúng tôi phát triển phần mềm phù hợp với từng loại hình kinh doanh như doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, cửa hàng bán lẻ, shop thời trang, nhà hàng, quán cafe,... với mức phí trung bình chỉ 49.000đ/tháng.

Đăng ký ngay để được dùng miễn phí 14 ngày phần mềm quản lý bán hàng tốt nhất:

 Bạn chưa yên tâm thì chưa ký hợp đồng.

 Đến tận nơi tư vấn giải pháp quản lý phù hợp nhất với bạn.

 Đội ngũ nhân viên hỗ trợ bạn từ 8h00 đến 22h00 mỗi ngày.

 Sẵn sàng hoàn 100% hợp đồng trong 30 ngày nếu bạn không hài lòng.