Blog | Maybanhang.net

MÃ VẠCH LÀ GÌ?

Written by Hoàng Khôi Phạm | 18/08/2017

Mã vạch xuất hiện ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, trên hầu hết các sản phẩm lưu hành hợp pháp trên thị trường. Ai cũng đều thấy chúng nhưng ít ai hiểu được nhiều về chúng.

1. Mã vạch là gì?

Để tạo thuận lợi và nâng cao năng suất, hiệu quả trong bán hàng và quản lý kho, người ta thường in trên hàng hoá một loại mã gọi là mã vạch.

2. Ưu điểm của việc dùng mã vạch

- Tăng tính chuyên nghiệp của cửa hàng.

- Nâng cao hiệu suất công việc:

+ Tiết kiệm thời gian, tăng tốc độ nhập hàng, bán hàng, kiểm hàng.

+ Tăng độ chính xác khi nhập hàng, bán hàng, kiểm hàng.

3. Cách lập mã vạch

Thông thường, nếu ở quy mô kinh doanh nhỏ, mới bắt đầu kinh doanh, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn đặt mã vạch tự do theo ý mình để mình dễ hiểu nhất. Ví dụ: SMT001 (bạn có thể hiểu là sơ mi trắng, mẫu số 1). Nếu đi theo hướng chuyên nghiệp, bạn có thể đặt mã vạch theo 2 cách phổ biến sau:

  1. ♦ Mã vạch EAN -13

Mã vạch EAN - 13 ở Việt Nam gồm 13 chữ số nguyên, chia làm 4 nhóm:

- Nhóm 1: Từ trái sang phải, ba chữ số đầu là mã quốc gia (vùng lãnh thổ), mặc định là 893 (mã quốc gia của Việt Nam).

- Nhóm 2: Bốn chữ số tiếp theo là mã doanh nghiệp.

- Nhóm 3: Năm chữ số tiếp theo là mã hàng hóa. Như vậy, có thể có tới 100.000 chủng loại hàng hóa khác nhau đối với một nhà sản xuất. Thông thường để dễ quản lý, người ta hay đánh mã hàng hóa theo thứ tự từ 00000 đến 99999. Tuy nhiên, tùy mục đích mà doanh nghiệp có thể dùng 5 số này để mã hóa các thông tin khác như: Nơi trữ hàng hoá, Ngày nhận, Số hiệu khách hàng, Giá cả hàng hóa,...

- Nhóm 4: Số cuối cùng là số kiểm tra (C). Đây là một con số được tính dựa vào 12 con số trước đó, dùng để kiểm tra việc ghi đúng những con số phía trước.

Ví dụ: Mã số 8 9 3 3 4 8 1 0 0 1 0 6 – C

Cách lập mã vạch EAN - 13:

Bước 1 – Xác định nguồn gốc hàng hóa: 893 là mã quốc gia của Việt Nam; 3481 là mã doanh nghiệp thuộc quốc gia Việt Nam; 00106 là mã hàng hóa của doanh nghiệp đó.

Bước 2 – Xác định C.

Cộng tổng giá trị của các số ở thứ tự lẻ bắt đầu được tính từ phải sang trái của dãy MS (trừ số C), ta có : 6 + 1 + 0 + 8 + 3 + 9 = 27 (1)

Nhân tổng của (1) với 3, ta có: 27 x 3 = 81 (2)

Cộng tổng giá trị của các số ở thứ tự chẵn còn lại, ta có :

0 + 0 + 1 + 4 + 3 + 8 = 16 (3)

Cộng giá trị (2) với (3), ta có : 81 + 16 = 97 (4)

Lấy giá trị của (4) làm tròn theo bội số của 10 (tức là 100) sát nhất với giá trị của (4) trừ đi giá trị của (4) ta có: 100 – 97 = 3. Như vậy C = 3.

Vậy mã vạch đầy đủ là: 893 3481 00106 3

  1. ♦ Mã vạch EAN – 8:

Mã vạch EAN-8 chỉ sử dụng trên những sản phẩm có kích thước nhỏ, không đủ chỗ ghi mã EAN-13 (ví dụ như thỏi son, chiếc bút bi). Các doanh nghiệp muốn sử dụng mã vạch EAN- cần làm đơn xin mã tại Tổ chức mã số quốc gia (EAN-VN). Tổ chức mã số quốc gia sẽ cấp trực tiếp và quản lý mã số mặt hàng (gồm 4 con số) cụ thể cho doanh nghiệp.

Về bản chất tương tự như EAN-13, chỉ khác là EAN-8 gồm 8 chữ số nguyên, được chia làm 3 nhóm:

- Nhóm 1: Mã quốc gia: Gồm 3 chữ số đầu tiên (bên trái), mặc định là 893 (mã quốc gia của Việt Nam).

- Nhóm 2: Mã hàng hóa: Gồm 4 chữ số tiếp theo.

- Nhóm 3: Số kiểm tra C. Nhận dạng số C cũng được tính từ 7 số đứng trước nó và cách tính cũng tương tự như EAN-13.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về lợi ích và cách sử dụng mã vạch. Để tìm hiểu chi tiết về mã vạch có thể áp dụng như thế nào cho cửa hàng của mình, bạn vui lòng liên hệ HOTLINE: 1900.63.64.65.