Ngành dịch vụ ăn uống (F&B – Food and beverage) những tháng đầu năm 2017 chứng kiến sự ra đi của những tên tuổi lớn trong ngành café như The KAFe, Gloria Jean’s, Coffee Inn hay Saigon Café… khiến người kinh doanh không khỏi chùn tay khi nghĩ đến việc đầu tư mới hay phát triển mở rộng thị trường.
Trái ngược với tâm trạng lo lắng đó, các quán trà sữa tuy sinh sau đẻ muộn lại nở rộ như nấm mọc sau cơn mưa rào, ăn nên làm ra và liên tục mở cửa hàng mới. Những tên tuổi như Dingtea, Gongcha, Koi Thé, Tiên Hưởng…. với những cửa hàng sáng đèn, khách hàng ra vào tấp nập là niềm mơ ước của bất kỳ người chủ nào. Điều gì đã làm nên thành công của loại đồ uống có tuổi đời non trẻ này, hãy thử tìm hiểu nhé!
Xem thêm: Bí quyết kiếm lời khủng của trà sữa GONG CHA
Vào đầu những năm 2000 khi trà sữa mới bắt đầu xâm nhập vào thị trường Việt Nam, đó chỉ là loại đồ uống dành cho giới học sinh, sinh viên. Giờ đây trà sữa đã thành thức uống của đông đảo dân công sở và các gia đình. Thế hệ 8x-9x của chục năm về trước giờ đây đã trưởng thành hơn, họ đã biết đến trà sữa từ xưa. Và nay khi đã làm việc ở các tòa văn phòng, họ cũng chính là đối tượng khách hàng đông đảo của thức uống quen thuộc này.
Ngày trước, cốc trà sữa đơn giản chỉ là trà và sữa trộn lẫn với tỷ lệ nào đó tùy vào người bán. Cốc trà được lắc lên, thêm các hạt trân châu màu đen hoặc nâu làm từ bột sắn. Và cái tên trà sữa trân châu được gọi từ các nguyên liệu làm nên nó.
Để làm thỏa mãn nhu cầu của thực khách, tăng thêm sự lựa chọn và bán hàng chạy hơn, theo thời gian, các chủ quán đã sáng tạo thêm vào các hương vị khác nhau. Nào là trà sữa bạc hà, dâu, đào, táo, mận, vị café, ca cao… Bây giờ khi các bạn vào một quán trà sữa thì menu dài ngoằng với vô số các loại tên. Ngoài tên các hương vị trái cây còn có các tên rất mỹ miều, hấp dẫn như là trà sữa cầu vồng, trà sữa tình yêu, trà sữa thần tiên, honey & tea…
Đó mới chỉ là tên gọi thôi. Còn hương vị thì cũng nhiều không kém, ngoài trân châu người ta còn thêm vào nào là các loại thạch trái cây, rau câu, thạch phô mai, các loại hạt thủy tinh hay cả bánh flan nữa.
Ngoài ra hình thức của đồ đựng trà sữa cũng có những sự phát triển theo thời gian. Ngày xưa là những ly nhựa bình thường mỏng manh không tem nhãn với một màng kéo ni lon nhiều màu sắc ở trên kèm 1 ống hút lớn. Ngày nay, các tem nhãn được in ấn cẩn thận, ghi rõ từng hương vị, thành phần của sản phẩm, thậm chí gắn kèm được cả thông điệp yêu thương nếu đi tặng.
Ngoài ra bây giờ có thêm các loại chai thủy tinh đẹp mắt tùy theo không gian trang trí của mỗi quán và mới xuất hiện gần đây là loại túi đựng trà sữa rất tiện dụng và lạ mắt.
Giá của một cốc trà sữa nói chung hiện dao động khá rộng, từ 15 nghìn đến vài chục nghìn/cốc, tùy thương hiệu. Các thương hiệu trung và cao cấp giá khoảng 30-50 nghìn đồng/cốc. Việc mix thêm vị theo nhu cầu của khách hàng (trân châu, thạch hay pudding...) cũng có thể đẩy giá cao thêm. Mức giá lúc này có thể lên đến 60 - 80 ngàn đồng/ly, cũng chẳng thua kém đơn vị đồ uống cao cấp nào cả. Tuy nhiên, giá thành linh hoạt vẫn tỏ ra hợp lí với túi tiền của số đông khách hàng trẻ.
Hoạt động Marketing được các thương hiệu áp dụng nhiều nhất vẫn là khuyến mại, giảm giá, phát hành deal và voucher, ví dụ như chương trình mua 1 tặng 1 tại các điểm mới khai trương.
Việc kết hợp với các đơn vị phát triển ứng dụng Marketing cho F&B như Meete, Clingme, Foody, Lozi... cũng được sử dụng phổ biến để tiếp cận nhanh nhất đến cộng đồng giới trẻ, những người mê công nghệ và cũng là tập khách hàng chính của mô hình trà sữa. Các quán cũng rất chịu khó post bài, hình ảnh, tổ chức trò chơi… trên mạng xã hội Facebook, Instagram để tạo sự kết nối với khách hàng.
Ngày trước, trà sữa chỉ được bán ở các xe hàng rong đứng trước cổng trường hoặc các quán nước nhỏ ven đường. Còn bây giờ, ngoài các chỗ như vậy thì món trà sữa còn phát triển rất nhanh thành các hệ thống bán hàng chuyên nghiệp với quy mô rộng lớn.
Thiết kế không gian và bảng hiệu của các nhiều cửa hàng trà sữa hiện nay cũng cao cấp không kém các quán cafe takeaway sang trọng. Khách hàng chỉ cần liếc mắt trên đường phố cũng có thể dễ dàng nhận ra Màu đen ấn tượng của Ding Tea, màu đỏ bắt mắt của Chevi, màu vàng sáng tươi vui của Toco Toco…
Hầu hết các quán trà sữa đều có dịch vụ giao hàng tận nơi miễn phí và nhanh chóng. Chính đặc điểm này làm cho giới chị em văn phòng (vốn ngại nắng mưa) rất yêu thích. Hình ảnh shipper bận rộn, kỉnh lỉnh với những túi, hộp trà sữa đã trở nên quen thuộc trên khắp nẻo đường ở các thành phố lớn.
Đầu tư kinh doanh quán trà sữa thường không tốn quá nhiều chi phí: Yêu cầu mặt bằng không đòi hỏi cao như nhà hàng/cafe; Nguyên vật liệu thì có nhiều nguồn cả cao cấp lẫn rẻ tiền tùy nhu cầu; Giải pháp công nghệ như Phần mềm bán hàng và quản lý cửa hàng cũng có đơn vị uy tín cung cấp; Nhân viên đa phần là sinh viên và không đòi hỏi quá khắt khe về quy trình nghiệp vụ, v…v… Do vậy nhìn chung, đầu tư cho một quán trà sữa là lựa chọn tương đối hợp lý trong bối cảnh kinh doanh F&B như hiện nay.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về việc kinh doanh quán trà sữa, hãy cho chúng tôi biết ý kiến nhé!
Tham khảo bài viết cùng chủ đề:
- Kinh nghiệm mở quán trà sữa cần những gì?
- 10 thương hiệu trà sữa tốt nhất để kinh doanh nhượng quyền