Ai cũng thường nghĩ quần áo đẹp đi kèm với sự đắt đỏ, nhưng hàng thùng (còn gọi là đồ cũ, đồ si đa, đồ second-hand) luôn chứng minh được điều ngược lại: độc - chất - rẻ. Vậy nếu muốn kinh doanh mặt hàng này, bạn cần lưu ý những gì?
1. Vốn kinh doanh hàng thùng là bao nhiêu?
Vì là đồ cũ nên khi kinh doanh mặt hàng này, bạn sẽ không cần quá nhiều vốn như các mô hình thời trang khác. Thông thường, một người mới kinh doanh chỉ cần bỏ ra từ 10-20 triệu đồng để lấy hàng về. Tuy nhiên, vì phải luôn lấy thêm hàng mới dù chưa bán hết, cộng với những chi phí phát sinh khác như thuê mặt bằng, đăng ký kinh doanh, marketing,... nên bạn cần có thêm một khoản kinh phí dự phòng khoảng 20-30 triệu đồng nữa.
Xem thêm: Thủ tục gọn lẹ để đăng ký kinh doanh shop thời trang
2. Lấy hàng ở đâu?
Campuchia được mệnh danh là kho hàng thùng của thế giới, vì đây là nơi các kiện hàng đồ cũ do tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) viện trợ cho các nước đang phát triển ở Châu Á đưa tới để tiến hành bán đấu giá. Thật may vì Việt Nam rất gần Campuchia, nên bạn sẽ dễ dàng qua tận nơi xem xét và lấy hàng. Ngoài ra, người Việt Nam cũng thường ưa chuộng hàng thùng có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc và một số ít các nước Châu Âu, Châu Mỹ.
Nếu ngại đi xa thì các đầu mối lấy hàng thùng trong nước như chợ Hoàng Hoa Thám (TP. HCM), chợ Kim Liên (Hà Nội), chợ Châu Long (An Giang),...
3. Nên lấy hàng như thế nào?
Có hai cách nhập hàng thùng là mua lẻ hoặc mua buôn. Bạn cũng có thể hình dung ra rồi đó, khi mua lẻ, bạn được quyền "tuyển hàng" đúng ý, đồng nghĩa với việc phải chịu giá cao hơn và tốn thời gian hơn. Ngược lại, bạn có thể chọn mua theo kiện hàng (khoảng 100kg) hoặc theo tép (50kg).
Giá cả thường sẽ dao động tùy vào xuất xứ hàng hóa, nhưng vẫn trong khoảng 4-13 triệu đồng/kiện. Vì cân theo khối lượng nên số lượng hàng hóa cũng bị biến động, tức là nếu bạn chọn kiện quần áo em bé thì sẽ được nhiều hàng hơn, trong khi cũng 100kg đó mà chọn quần áo jeans thì tất nhiên chỉ được tầm 200 chiếc.
Xem thêm: Đơn giản, khác biệt và bạn sẽ kinh doanh thành công
4. So sánh chất lượng kiện hàng theo xuất xứ
Như đã đề cập bên trên, người Việt thường chuộng hàng thùng từ Nhật hoặc Hàn vì khá phù hợp từ kiểu cách cho đến vóc dáng. Theo kinh nghiệm kinh doanh hàng thùng của những người đi trước, chất lượng hàng thùng sẽ khác nhau nếu xuất xứ khác nhau, cụ thể:
- Hàng thùng Hàn Quốc: kiểu dáng rất ổn, đẹp và bán chạy nhưng dễ bị lẫn hàng hư hỏng, không dùng được. Thêm vào đó, bạn sẽ tốn thêm một khoản chi phí để giặt ủi vì kiện hàng thường không quá mới, không thơm và hay bị ngả màu.
- Hàng thùng Nhật Bản: rất dễ bán, hàng chất lượng nhưng kiểu dáng đôi phần hơi phá cách. Bạn sẽ phải chỉnh sửa lại một chút cho phù hợp với phong cách của người Việt.
- Hàng thùng Mỹ, Úc, Canada: Thường thì 2/3 kiện hàng là dùng được. Hàng mới, thơm tho nhưng giá cao gần như gấp đôi các kiện từ Nhật hay Hàn, size thường lớn nên nếu không kinh doanh đồ bigsize thì bạn sẽ tốn công chỉnh sửa khá nhiều.
4. Rủi ro sẽ phải đối mặt
Trong một kiện hàng thường sẽ bị lẫn tạp nhiều sản phẩm đã hỏng, quá cũ, rách, dính màu không thể tẩy được, hư dây kéo, xù lông,... nên bạn phải chuẩn bị tinh thần là đôi khi mua cả kiện nhưng chỉ dùng được 1/3. Có điều bạn cũng sẽ dễ tìm được một số sản phẩm mới tinh tươm, có thể bán được với giá cao hơn bình thường, là sản phẩm mà các tín đồ thời trang vẫn hay gọi là "hàng tuyển".
Với số sản phẩm không bán được, đừng để tồn kho lâu ngày mà hãy tìm đầu ra cho nó ở các tỉnh lẻ. Bạn có thể bán lại chúng với giá rẻ hơn một chút để xoay vòng số vốn, chuẩn bị cho việc nhập thêm nhiều kiện hàng mới về.
Thêm vào đó, hàng hóa rất có thể sẽ bị ứ đọng. Khi đó, bạn có thể xử lý bằng cách giảm giá hoặc chịu khó tân trang lại chúng một chút cho mới lạ hơn. Chưa hết, không phải lúc nào bạn muốn mua cũng sẽ có người bán sỉ cho bạn, nên thường bạn phải đặt trước khá lâu hoặc tranh thủ đi lựa sớm để có được hàng tốt.
Xem thêm: Xu hướng tiêu dùng nào đang được người Việt ưa chuộng?
5. Định giá bán hàng thùng như thế nào?
Tùy theo giá kiện hàng bạn lấy về, độ mới, mẫu mã,... mà mỗi sản phẩm sẽ có giá khác nhau. Hàng thùng nếu được bày bán tại các sạp trong chợ, trải bạt lề đường,... sẽ được chia theo loại, ví dụ áo khoác đồng giá 60.000 đồng, đồ trẻ em 35.000 đồng, áo sơ mi nữ 15.000 đồng,... Ngoài ra, có một chu kỳ biến động về giá tương đối ngắn, tức là giá cao khi mới khui kiện hàng và giảm dần cho đến lúc trước khi khui kiện tiếp theo.
Còn đối với các cửa hàng, sản phẩm thường có sự chọn lọc nhiều hơn và được treo lên đàng hoàng hơn, tất nhiên giá sẽ đắt hơn một chút. Tuy nhiên theo đánh giá của nhiều khách hàng, mua hàng thùng tại cửa hàng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn vì ít bon chen, ít bụi bặm, chất lượng hàng và thái độ phục vụ cũng tốt hơn nhiều. Có được bấy nhiêu đó nên giá cao hơn một chút cũng không phải là vấn đề lớn với họ, vì đơn giản các sản phẩm này vốn đã rất rẻ so với đồ mới rồi.
Đó cũng là lý do vì sao ngày càng nhiều người chọn cách mở cửa hàng để kinh doanh hàng thùng. Nếu bạn cũng có ý định đó, hãy nắm thật kỹ những thông tin bổ ích ở trên đây nhé. Đừng quên trang bị thêm một phần mềm quản lý bán hàng chuyên nghiệp để công việc quản lý hàng hóa, doanh thu, nhân viên,... trở nên hiệu quả hơn.
ĐĂNG KÝ DÙNG THỬ MIỄN PHÍ 14 NGÀY PHẦN MỀM QUẢN LÝ BÁN HÀNG THỜI TRANG